Cho một lần đầu tiên nuối tiếc vì trái bóng 

Tôi hai mươi mốt tuổi, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời tôi có cảm xúc với bóng đá, một môn thể thao mà với tôi trước đó chẳng có ý nghĩa gì hết. Không hẳn vì tôi không thích bóng đá, mà vì tôi không thích thể thao. Đó là cái không thích tai hại nhất đối với con người, mà theo một cách lý thuyết như tôi vẫn nghĩ thì thể thao giúp người ta có nhiều động lực hơn và kiên trì hơn để bức phá và duy trì phong độ.

Nghĩa là tôi sẽ không bao giờ biết thức đêm để xem những trận cầu nảy lửa ngay cả khi người ta đang ăn ngủ cùng một kì World Cup nào đó, mà sáng hôm sau họ bàn tới bàn lui, thanh niên già trẻ lớn bé đều „úi xời, tiếc quá“ vì đội bóng yêu thích của họ không đi đến chung kết. Và còn có những người khóc tu tu kể từ lúc trọng tài tuýt còi kết thúc trận đấu, vì họ đã cá cược cả gia tài nhà mình với một niềm tin mãnh liệt 50/50 mà các cụ vẫn nói „được ăn cả ngã về không“ để đổi đời, hoặc đơn giản vì họ quá yêu thích các cầu thủ ấy. Mới sáng sớm một loạt báo chí đăng tin, khéo bình luận những chi tiết đã qua rất tinh tế để cho những Fan hâm mộ càng cuồng dẫy hơn. Chuyện bóng đá tưởng chừng như đã đi vào đời sống người dân mọi nơi rất đỗi tự nhiên, mà đó còn được ví như một đề tài không bao giờ hết nóng của xã hội. Không chỉ liên quan đến trận cầu, báo chí còn „vận cơ“ ngó nghiêng vào đời tư các cầu thủ; Ai đang sở hữu ai, có gia đình hay chưa, có làm trò bậy bạ gì hay không … Dăm ba những câu chuyện đó mà người ta cứ đặt với một cầu thủ nổi tiếng trong chuyên mục „thể thao“ thì kiểu gì cũng ối người đọc.

Chuyện đá bóng còn khiến cho tôi nhiều lần xấu hổ vì không biết làm thế nào để bắt chuyện với một nhóm bạn, xung quanh những thông tin mà thậm chí chút ít kiến thức căn bản tôi không có. Đơn cử như những lần đi cắt tóc vỉa hè, anh thợ liên tục hỏi: Em có xem trận hôm qua không, tức đ** chịu được thằng *** vân vân. Và tôi ngồi im bặt, chỉ thốt đúng một câu: Em không! Anh thợ cắt tóc cũng im bặt, chú tâm tỉa tót từng đường tóc kĩ hơn trong một bầu không khí căng thẳng khi hai bên không thể giao tiếp với nhau được nữa. Thế là xong. Hai mươi mốt năm như thế rồi cơ mà đấy.

Rồi cũng đến lúc tôi nhận ra, cuộc đời mình không thể thiếu món ăn tinh thần ấy được. Tại sao hay lí do nào mà tôi lại phải hạn chế bản thân mình, cho nên tôi quyết định sẽ cải tổ. Giờ là lúc phải hì hụi „sớt“ tất cả những từ chuyên ngành của dân bóng đá. Đó là cách để tôi hình dung người ta đá bóng trong cái luật gì. Rồi ai đá với ai, đá ở giải nào, ai là nhân vật sáng giá, mặc dù sau một thời gian như vậy vốn liếng kiến thức bóng đá có tăng nhưng sẽ bị tẩu hỏa nhập ma. Tôi có thể nhầm một cầu thủ Pháp ở đội Bồ Đầu Nha hoặc một cầu thủ nào đó nhẽ ra xuất thân từ câu lạc bộ này thì lại nhầm thành câu lạc bộ khác. Nhiều lúc cũng hay đáo để, bởi những cái tên La-tinh, nghe dân bình luận viên nhà đài đọc lên nó dễ nhớ biết mấy mà cái lúc mình tự đọc thì không thể tưởng tượng được.

Quyết định xem Euro 2016 chính là mấu chốt để tôi nuôi một giấc mơ, biết yêu thích một đội bóng, biết quan tâm đến sân cỏ, để một lần trong đời khi tôi đặt chân đến nước Đức xinh đẹp, đích thân tôi sẽ đi thăm sân Allianz Arena. Mà không thể không một lần chứng kiến Bayern Munich, Dortmund sẵn sàng chiến đấu. Tôi bắt đầu yêu cái cách mà người ta dành tình yêu cho bóng đá, cho một tinh thần dân tộc vĩ đại. Họ có quyền tự hào về đội tuyển quốc gia của họ, và đặc biệt là nền công nghiệp bóng đá. Nôm na theo những gì tôi hiểu thì đội bóng nào cũng mang trên mình một xứ mệnh, dành chức vô địch, mà trong bóng đá có một điều cực kì lí thú đó là khi chỉ có duy nhất một đội bóng nhậm chức vô địch mà không có thứ hạng cao thấp. Điều đó tượng trưng cho một đỉnh vinh quang, khi mà con người chiến đấu họ chỉ được phép thành công hoặc thất bại. Muốn thành công chắc chắn họ phải rèn luyện và kiên trì bởi bốn năm cho một giải đấu, đồng nghĩa với việc bốn năm sau họ mới được thể hiện lại những gì họ đã phấn đấu. Đó là cách mà tôi nhìn thấy ở bóng đá. Tôi được xem một thước phim trước cửa Brandenburg, nơi mà „Die Manschaft“ vẫy chào quốc dân để chiến đấu cho màu cờ sắc áo của mình. Giây phút ấy đối với tôi quá đỗi thiêng liêng, bởi chính thể thao, chính bóng đá mới làm cho những người dân xứ lạnh đến gần nhau hơn.

Sau đêm chung kết, tôi bỗng nuối tiếc, bởi những thứ mới mẻ vừa đến với tôi đã vội đi mất. Tôi còn nhớ những lúc rạo rực trong lòng bởi cái tình hiếu thắng trong một trận cá cược trước đó với đứa cháu nhỏ của mình. Và khi tiếng còi vang lên, tôi, mẹ tôi bỗng thở dài rồi thốt lên: xong. Thế là hết Euro, hết những thời khắc vui reo của lòng người. Chiến thắng của đội nào đã không còn quan trọng, mà điều tốt đẹp hơn đã xuất hiện khi tôi bắt đầu yêu bóng đá.

***

Meine Erinnerungen hier in Hanoi, in Vietnam vergesse ich nie, glaube ich. Euro 2016 kommt zu mir spät aber wunderbar. Ich würde gern in der Zukunft vor allem in Deutschland die Manschaft lieben, weil sie mir einen guten Eindruck brachten. Für ein gutes Leben in Deutschland würde ich den Fußball lieben.