Rượu và bia, thú vui lạ!

Kết nối cảm xúc bằng rượu, chất xúc tác khiến con người gần nhau hơn.

Người ta vẫn cáo với nhau rằng, con người nên tránh xa rượu bia, đó là những thứ chứa cồn có tác động mạnh tới dây thần kinh và khiến cho con người ta rơi vào trạng thái say, (gần như) không kiểm soát được não bộ. Tuy nhiên chính vì tác dụng đó mà con người muốn lạm dụng bia rượu để giải tỏa nỗi buồn, tạo ra một thế giới mới chỉ trong khoảng thời gian ngắn để quên đi thực tại, là những thứ đang diễn ra hằng ngày lặp đi lặp lại đôi khi khiến họ bị giam cầm trong một nhà tù vô hình nào đó. Không thể phủ nhận rằng, những người nghiện rượu bia sẽ phải chịu hậu quả rất lớn, như mắc các bệnh về gan, dạ dày, nặng hơn là ung thư. Cá nhân tôi không cổ xúy cho việc lạm dụng rượu bia và sử dụng chúng thường xuyên. Cuộc sống có rất nhiều thứ đáng để cho chúng ta thử, nhưng hãy dừng lại khi biết điểm hạn chế của bản thân. Tôi là yêu cái cách mà người ta làm ra Rượu, Bia và văn hóa chuẩn mực khi uống hơn là ngồi quán vỉa hè uống lấy no say.

Nếu như để ý ở trong điện ảnh phương Đông và phương Tây (cụ thể là Trung Hoa và Mỹ) bạn sẽ nhận thấy được sự khác nhau rất rõ trong văn hóa uống rượu. Trong phim cổ trang Trung Hoa, tướng sau khi thắng trận sẽ uống rượu bằng vại với các thần dân, và quân lính của mình để ăn mừng. Còn với Mỹ, họ uống rượu bằng ly – một chiếc ly quá khổ tràn qua cả cửa mũi, để thưởng thức trọn vẹn mùi hương của rượu rồi sau đó họ từ từ chậm chậm nhấp môi và dứt ra khỏi miệng ly, nhắm mắt lại… Mặc dù là người Á Đông nhưng tôi cảm nhận, văn hóa uống rượu của người phương Tây thú vị hơn, họ thưởng thức bằng cách tinh tế hơn trong lăng kính của tôi.

(…)

Rượu  vẫn là thú vui lạ đối với con người, đặc biệt là với đàn ông. Chúng tôi uống rượu mạnh Whisky, Woska, Tequila hoặc Champagner nhẹ nhàng với phụ nữ và rất nhiều kiểu rượu khác từ phương Đông như Sake hay rượu Đồng Xuân của Việt Nam. Mỗi một loại rượu được chiết xuất từ một loại cây nào đó, mà khi uống người ta cảm nhận được mùi vị đặc trưng. Từ lúa gạo, hoa quả và những lá cây đặc biệt rượu là một tài sản vô giá mà con người làm ra, để thỏa mãn niềm khoái lạc của chính con người.

Khi tôi đủ mười tám tuổi – nghĩa là tôi được phép uống rựou, được phép sử dụng những chất có cồn, khi ấy chính tôi cũng mừng rỡ lắm vì đã bao lâu tôi luôn muốn thử cảm giác người lớn làm được mà mình phải ngồi nhìn, phải chờ đợi đến đúng thời khắc mình cũng giống họ. Sự tò mò ấy chắc chắn đứa trẻ qua tuổi vị thành niên nào cũng thèm. Không giấu gì bố mẹ, tôi đã kể cho họ cảm giác của tôi khi lần đầu tiên uống rượu hơi say (cảm giác „tây tây“ như nhiều người vẫn gọi) rồi họ cười khà nói rằng điều đó thật nguy hiểm. Họ đã từng qua cảm giác đó và gần như họ không thể nhớ lại đã bao nhiêu lần họ uống rượu. Chắc chắn thứ cảm giác này họ đã quên rồi. Còn với tôi, vượt qua cái sự tò mò thì đó lại là một cuộc sống bình thường. Tôi dần hết thảy những suy nghĩ đó và cũng giống như người lớn tôi muốn rượu trở thành người bạn đồng hành của tôi. Rượu không tốt, nhưng rượu lại làm người ta vui bởi niềm vui của mỗi người làm sao mà một ai đó khác có thể cảm nhận hộ được. Chẳng thế mà trong văn học, người ta vẫn chọn rượu là những chi tiết nhỏ làm nên tác phẩm lớn. Bởi đó là nguồn gốc của con người, là sự thật thô thiển của con người, có lúc khiến họ vui nhưng cũng có lúc làm cho họ mất tất cả, thậm chí thứ danh dự quý giá nhất cũng sẽ mất.

Đã bao giờ bạn thực sự nói thật khi bạn vẫn còn tỉnh táo? Không, tôi không làm thế bao giờ. Tôi thậm chí chẳng buồn nói chuyện với ai ngay cả khi tôi đã say. Chắc đó vẫn chưa phải là lúc say mèn, bởi khi người ta say thực sự người ta sẽ thoát hoàn toàn ra khỏi cuộc sống thực tại. Đầu tôi vẫn phải tỉnh để tìm ví tiền, để móc chiếc điện thoại, và tìm đường về nhà. Chỉ trước đó vài phút, tôi vẫn cầm chén ực một cái không thấy được vị cay, vị đắng, vị nóng của rượu. Rồi nó chảy xuống dạ dày, tôi bắt đầu cuống. Tôi mong sao cho nó đi ra ngoài thật nhanh, đừng làm tôi say vì tôi không thích. Nhưng cái say thì ai mà kiểm soát được, rồi tôi vẫn say. Trong cơn say, tôi vui khôn tả, tôi cảm giác như mình có một sức mạnh siêu nhiên gì đó, muốn chửi, muốn làm hại ai cũng được.

Tequila, hãy gọi một ly đầu tiên, liếm một ít muối trên tay mình rồi đổ ực một cái, cuối cùng hãy ngậm một miếng tranh trong miệng. (Tequila ist immer richtig mit Salz und Zitrone). Tôi hỏi: Tại sao họ phải làm vậy? Đó là một sự kết hợp ngẫu nhiên mà hoàn hảo nhất khiến cho người ta cảm giác say nhanh hơn. Nó giống như là người việt mình sẽ chỉ ăn bún đậu với mắm tôm bởi vì đó mới chính là đặc sản, đó mới chính là cách mà người ta thưởng. Rồi sau đó đầu miệng bạn sẽ tê lại, thêm vào đó chân tay sẽ trở nên run rảy, rồi bỗng dưng người ta sẽ hát hoặc sẽ làm những thứ người ta chưa từng làm. Đó mới là lúc bạn bắt đầu hưởng thụ. Đừng để cho cảm xúc dừng lại, mà hãy đi tìm một nơi nào đó có nhạc. Nhờ có nhạc, bạn sẽ lại tỉnh, tỉnh xong rồi bạn lại thèm say, cứ thế câu chuyện vui của bạn sẽ lặp lại cho đến lúc bạn thực sự chán.

tequila , lime and salt
Tequila cùng với chanh và muối

Còn với Whisky, người ta sẽ uống với nước. Chẳng ngại ngần gì khi thử một ly Whisky 40 – 50°, mà đầu tiên bạn có thể cần thời gian làm quen bằng cách dùng thêm với đá. Uống Whisky không nên nóng vội, mà đặc biệt cách chọn cốc sao cho phù hợp cũng là một mẹo giúp người uống cảm thấy thoải mái (Tumbler, Nosing-Gläser, hay Gläser mit Stiel).

whisky
Nếu chưa quen, hãy dùng Whisky với đá

Sự ra đời của những loại rượu này đều gắn liền với một câu chuyện nào đó. Sự xuất hiện của chúng còn được điện ảnh hóa để tạo nên những dấu mốc khó phai trong lòng người xem. Chính sự sáng tạo đó mà tôi biết đến Tequila, một cái tên la-tinh nóng bỏng từ một vùng đất chuyên trồng cây Agave ở Mexico, đã khơi gợi bao liên tưởng táo bạo với chính những người chưa từng biết chúng như tôi. Tôi thầm tưởng tượng rằng, khi người ta làm ra loại rượu này, chắc chắn họ đang nghĩ đến một khung cảnh nào đó mà với tôi đó sẽ là một cô gái la-tinh mặc chiếc váy đỏ rực nhẹ nhàng đưa tay cầm ly Tequila cho bạn rồi sẽ giật mạnh bạn lên để nhảy theo đoạn nhạc Tango nhịp ngắt quãng. Đó chỉ là một sự tưởng tượng khôi hài, mà chính bản thân tôi cũng không hiểu tại sao mình lại nghĩ ra những thứ như thế. Nhưng tôi tin rằng, một câu chuyện – một ly rượu sẽ đủ hấp dẫn bạn đến một thế giới mới mà trước đó bạn thực sự rất tò mò và hiếu kì.

Bia.

Đã nói đến Bia người ta thường nghĩ đến Đức, Tiệp. Đó là những quốc gia nổi tiếng trong việc sản xuất bia. Nếu được kể tên tất cả các nhãn hiệu bia có mặt ở đây chắc bạn sẽ không thể kể nổi; cũng giống như xúc xích chỉ cùng một công thức sản xuất nhưng nhờ sự sáng tạo và yêu cầu từ người sử dụng mà số lượng nhãn hiệu lên đến hàng nghìn (Pilsner, Öttinger, Eichbaum, Bitburger, Krombacher, Jever usw.). Người Bayern (phía Nam nước Đức) luôn tự hào vì họ có truyền thống sản xuất bia, chính vì thế mà lễ hội bia Oktoberfest tại München (Munich) được xem là lễ hội bia lớn nhất trên thế giới. Cũng vì thế mà khi nhìn vào München, họ thường nhầm tưởng những gì đang có đều thuộc về nước Đức. (Kể cả trang phục truyền thống của họ trong lễ hội này cũng thường bị nhầm *Dirndl* dành cho nữ và *Lederhosen* dành cho nam giới). Người Đức uống bia ở khắp nơi với một lượng Bia mà người ta khó có thể hình dung (trung bình năm một người Đức tiêu thụ 500 chai bia dạng 0,5l), cũng vì thế mà trong các cuộc nhậu với người Đức bạn sẽ không thể địch nổi khi uống bia với họ.

oktoberfest-2013-09
Bạn sẽ không thể hình dung có bao nhiêu người đang tham dự lễ hội Bia Oktoberfest hằng năm

Cũng chính vì lẽ đó, mà tôi rất muốn được đặt chân tới Đức để thử tất cả những loại bia ở đây. Tôi biết chắc chắn rằng, một ngày gần nhất tôi sẽ đến thăm một đơn vị sản xuất bia gia truyền, ở đó tôi có thể quan sát xem người ta đã làm thế nào để ra được một cốc bia cho chúng ta uống (Video có rất nhiều, nhưng cảm giác chứng kiến sẽ là một thứ mà đáng để trải nghiệm hơn bao giờ hết). Cái say của bia sẽ khác hẳn khi bản uống rượu, làm một phép so sánh để có thể thấy sự khác nhau; một ly Tequila có nồng độ 45° trong khi đó một ly Bia chỉ có nồng độ giao động từ 5-6° đủ để chúng ta thấy uống bia càng lâu thì mới say được. Thường thì người ta sẽ không uống bia để say, mà người ta uống bia để vui. Dễ hiểu rằng một cốc bia người Đức thường uống có dung tích khoảng 1l, cho nên lúc cụng Bia bạn sẽ nghe thấy một âm thanh rất nhanh và mạnh, không được vang như cụng nhẹ ly rượu nhưng lại rất hợp khi bạn đi cùng nhóm đông người. Mà một khi bạn đang đi xem bóng đá cùng người Đức, nếu như trên tay không có một chai (cốc) Bia thì thực sự không bình thường tí nào. Họ sẽ hò reo trong chiến thắng cùng với Bia, như một cách để khẳng định vị trí của họ ở trên mọi đấu trường. Người Đức là như vậy!

Ly Rượu và cốc Bia đã mang đến cho tôi một cách nhìn mới về thú vui tao nhã này. Nếu thiếu chúng liệu cuộc sống của chúng ta có trở nên quá buồn tẻ. Thực sự là vậy! Tôi đã từng, hoặc chưa bao giờ hiểu hết được lí do mà người ta cần say (cần đến những người bạn nhậu). Nhưng với tôi, đó là một niềm vui một cách cảm nhận cuộc sống hết sức đẹp. Tôi chọn riêng cho mình một cách thưởng thức Bia, Rượu bằng những lần quan sát người lớn uống. Vẻ đẹp của một người đàn ông cũng được tỏa ra từ khi họ cầm ly rượu lên cho đến lúc họ đặt xuống. Một vẻ đẹp quyến rũ chết người mà cánh đàn bà họ tự thừa nhận rằng: họ đã yêu những người đàn ông đó chỉ vì một khoảnh khắc như vậy. Một người đàn ông liệu từ bản năng họ đã biết cầm một ly rượu, hoặc một cốc Bia để uống? Đó là câu hỏi mà ngay tại lúc đang gõ phím tôi chợt nhận ra. Có một lý giải logic nào cho một „hiện tượng tự nhiên“ đó. Tôi không hiểu, nhưng tôi biết đó là một nét đẹp tự nhiên, những nét đẹp trần trụi khiến người ta phải si mê khi người ta chợt tỉnh giấc.

18:00 tôi tạm gác lại mạch cảm xúc của mình, rồi cất đồ vào balô để trở về nhà.

***

Nguồn tham khảo:

https://de.wikipedia.org/wiki/Liste_von_Getr%C3%A4nken

https://tequilafabrik.de/alle-infos-zu-tequila/trinkgewohnheiten-glaeser/

Das richtige Whisky Glas finden

https://de.wikipedia.org/wiki/Bier_in_Deutschland

http://www.muenchen.de/veranstaltungen/oktoberfest/schmankerl/wiesnmode.html

http://www.welt.de/gesundheit/article127943446/Der-Deutsche-trinkt-500-Flaschen-Bier-pro-Jahr.html